ames
Hotline 1800 2098
Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con!

Người đăng: AMES ENGLISH | Ngày đăng: Thứ Năm, 03/11/2016

Bước vào Tiểu học, con bắt đầu làm quen với môi trường học tập nghiêm túc, những khái niệm hoàn toàn mới mẻ như bài tập về nhà, nội quy hay điểm số. Khoảng thời gian này, nhiều cha mẹ không tránh khỏi lo lắng, bỡ ngỡ tìm cách làm sao để kèm cặp con học. Nếu nắm bắt được tâm lý của trẻ em trong độ tuổi học tiểu học, cha mẹ sẽ dễ dàng giúp con đạt được kết quả học tập tốt nhất, đồng thời vẫn tạo cho con cảm giác được tôn trọng, thoải mái và không bị áp lực.

Để làm được điều này, trước hết, cha mẹ cần học cách tôn trọng con. Mỗi đứa trẻ là một thực thể riêng biệt, với những cá tính và sở trường khác nhau. Vì vậy, cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên con, hay bắt con phải trở nên giống người khác. Chính điều này sẽ vô hình đặt lên vai con áp lực, khiến chúng không thể phát triển tự nhiên đúng lứa tuổi cũng như phát huy sở trường của mình. Tôn trọng trẻ là cách thông minh khi cha mẹ muốn con làm theo những yêu cầu của mình mà con không cảm thấy bị cưỡng chế, bắt ép.

Để con không cảm thấy áp lưc

Cha mẹ không nên để con cảm thấy bị cưỡng chế, bắt ép

Điều quan trọng nhất khi con ở độ tuổi tiểu học là tạo cho con tinh thần tự giác, ý thức tự học. Bởi tại thời điểm này, điểm cao hay học giỏi không phải là ưu tiên hàng đầu. Rèn giũa ý thức, nỗ lực chính là tạo bước đệm cho con đường học tập “dài hơi” của con sau này. Một khi con hiểu được học là việc của mình, con sẽ có trách nhiệm hơn với những điều con đang làm, và đương nhiên khi đó con sẽ có thể làm tốt hơn.

Muốn con tự giác học, bố mẹ không nên lúc nào ngồi kèm con. Giám sát con hoàn thành đủ bài, đúng bài mỗi tối sẽ tạo cho con tâm lý ỷ lại, không tự giác và dễ dàng bị xao nhãng khi không có người lớn bên cạnh. Lâu dần, con sẽ học vì bố mẹ kiểm tra thay vì học cho con.

Để khuyến khích ý thức tự giác của con, ban đầu bố mẹ có thể giúp cọn sắp xếp thời gian học hợp lý mỗi ngày, học môn nào và học trong thời gian bao lâu. Bên cạnh đó, góc học tập có thể trang trí sáng tạo theo ý thích của con để gợi hứng thú hơn cho con mỗi khi ngồi vào bàn.

Cha mẹ không nên giám sát con mọi nơi mọi lúc

Cha mẹ không nên giám sát việc học của con quá chặt chẽ và gò bó

Học cách làm bạn cùng con. Trong quá trình làm quen với môi trường học mới, chắc chắn trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để thích nghi và hòa đồng. Bởi ở độ tuổi này, nét tính cách của trẻ đang dần được hình thành, trẻ có thể nhút nhát, rụt rè, cũng có thể sôi nổi, mạnh dạn. Cha mẹ hãy trở thành người bạn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của con và cùng con tìm ra cách khắc phục.

Hằng ngày khi con đi học về, các bậc phụ huynh nên thường xuyên dành thời gian hỏi thăm con về tình hình học tập, bạn bè, thầy cô ở trường, tạo cho con thói quen kể chuyện, chia sẻ với bố mẹ. Để từ đó, bố mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin và có những điều chỉnh cũng như lời động viên, khích lệ kịp thời.

Bên cạnh đó, khi có ai hỏi thăm về tình hình học tập của con, ngay cả khi con chưa phải một học sinh xuất sắc khiến bố mẹ hài lòng thì thay vì dùng những lời tiêu cực, bạn nên nói rằng “Con đang rất cố gắng”. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được ý của cha mẹ và nỗ lực nhiều hơn.  

Một điều nữa mà các bậc phụ huynh cần lưu ý khi muốn kèm con học, dù con ở bất kì độ tuổi nào, đó là chỉ nên hỗ trợ chứ không được làm bài hộ con.

Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con

Hãy hướng dẫn và làm cùng con, thay vì làm cho con

Với mỗi bài tập được giao, cha mẹ nên cho con thời gian tự suy nghĩ, tự tìm kiếm hướng làm thay vì cung cấp cho con cách giải và đáp án. Đây chính là phương pháp hiệu quả giúp con phát triển tư duy ngay từ nhỏ và rèn luyện tính độc lập, kĩ năng giải quyết vấn đề. Cho đến khi con thực sự không làm được bài thì cha mẹ mới đưa ra những gợi ý và và giảng giải cách làm cho con.

Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên tìm kiếm các phương pháp học tập hiệu quả phù hợp với lứa tuổi của con để hỗ trợ con trong quá trình học tập. Ví dụ như, bạn có thể hướng dẫn con cách đánh dấu những thông tin quan trọng để con nắm được trọng tâm bài học, ghi nhớ kiến thức một cách rõ ràng và hiệu quả hơn.